Ngày 12/8/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021, thay thế Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016.
Khi thu phí, tổ chức thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho người nộp theo quy định tại Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đối tượng chịu phí, mức thu phí
Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành (có Giấy chứng nhận đăng ký và biển số xe, có Giấy chứng nhận kiểm định), bao gồm xe ôtô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô).
Người nộp phí sử dụng đường bộ là các tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện (sau đây gọi chung là chủ phương tiện).
Tổ chức thu phí bao gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thu phí đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an) và các đơn vị đăng kiểm (thu phí đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam).
Mức thu phí đường bộ được quy định cụ thể cho từng loại xe (theo Phụ lục I – Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ đính kèm Thông tư này) với mức từ 130.000/tháng cho đến 1.430.000 đồng/tháng.
Các trường hợp miễn phí sử dụng đường bộ
Thông tư số 70/2021/TT-BTC cũng quy định về việc miễn phí sử dụng đường bộ đối với người nộp phí cho các phương tiện, bao gồm: Xe cứu thương, xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, xe chuyên dung phục vụ quốc phòng, xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân.
Phương thức tính, nộp phí
Về phương thức tính và nộp phí sử dụng đường bộ, Thông tư số 70/2021/TT-BTC quy định cụ thể như sau:
Đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam: Trường hợp xe đăng kiểm lần đầu, thời điểm tính phí sử dụng đường bộ tính từ ngày phương tiện được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm. Trường hợp xe cải tạo chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu từ tổ chức sang cá nhân (và ngược lại) thì mức thu phí tính từ ngày chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu theo Giấy đăng ký mới của xe.
Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.
Đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an: Phí sử dụng đường bộ nộp theo năm, theo mức thu quy định tại Phụ lục I – Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư này. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện in và phát hành loại vé “phí đường bộ toàn quốc” áp dụng riêng đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an.
Chứng từ thu phí
Khi thu phí, tổ chức thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho người nộp theo quy định tại Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp vé “phí đường bộ toàn quốc” cho xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an khi cấp biên lai thu phí theo quy định nêu trên.
Quản lý và sử dụng phí
Tổng cục Đường bộ Việt Nam nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.
Trường hợp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ thì được trích để lại 1,2% số tiền phí thực thu để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ theo quy định. Số tiền còn lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải nộp vào tài khoản chờ nộp ngân sách của mình mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày thu phí.
Trường hợp các đơn vị đăng kiểm thực hiện thu phí thì các đơn vị này sẽ được trích để lại 1,32% số tiền phí sử dụng đường bộ thực thu để chi cho các nội dung như trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định, trích chuyển về Cục Đăng kiểm Việt Nam 03% số tiền được để lại (1,32%) để phục vụ công tác quản lý thu, nộp phí sử dụng đường bộ của hệ thống đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc; Đồng thời, trả lại tiền phí đối với các trường hợp không chịu phí theo quy định; số tiền còn lại, tổ chức thu phí chuyển về tài khoản chuyên thu của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục Đăng kiểm Việt Nam nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày thu phí.
Cục Đăng kiểm Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện kê khai, nộp phí thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Trường hợp tổ chức thu phí áp dụng cơ chế tài chính doanh nghiệp, số tiền phí được để lại là doanh thu của đơn vị và thực hiện kê khai, nộp thuế (GTGT, TNDN) theo quy định của pháp luật về thuế; trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan hành chính, sự nghiệp, số tiền phí được để lại quản lý, sử dụng theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021 và thay thế Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ không quy định tại Thông tư này, thực hiện theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí, Nghị định số 120/20216/NĐ-CP, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 303/2016/TT-BTC.