Quy định về cải tạo phương tiện tham gia giao thông đường bộ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
——-
Số: 85/2014/TT-BGTVT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CẢI TẠO PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là xe cơ giới) đã có biển số đăng ký hoặc đã qua sử dụng được phép nhập khẩu.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các xe cơ giới sau đây:

a) Xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo;

b) Xe cơ giới được cải tạo để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe cơ giới là các phương tiện giao thông đường bộ được định nghĩa, phân loại tại các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211 và TCVN 7271 (trừ xe mô tô, xe gắn máy).

2. Tổng thành là động cơ; khung; buồng lái, thân xe hoặc thùng xe, khoang chở khách; thiết bị chuyên dùng lắp trên xe.

3. Hệ thống là hệ thống truyền lực; hệ thống chuyển động; hệ thống treo; hệ thống phanh; hệ thống lái; hệ thống nhiên liệu; hệ thống điện, đèn chiếu sáng và tín hiệu.

4. Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe cơ giới. Trường hợp thay thế hệ thống, tổng thành bằng hệ thống, tổng thành khác cùng kiểu loại, của cùng nhà sản xuất (cùng mã phụ tùng) thì không phải là cải tạo.

5. Xe bao gồm xe ô tô, sơ mi rơ moóc và rơ moóc.

6. Xe nguyên thủy (xe cơ giới chưa cải tạo) là xe cơ giới không có sự thay đổi cấu tạo, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của toàn bộ các hệ thống, tổng thành so với thiết kế của nhà sản xuất.

7. Cơ sở thiết kế là tổ chức kinh doanh ngành nghề dịch vụ thiết kế xe cơ giới.

8. Cơ sở cải tạo là tổ chức kinh doanh ngành nghề thi công cải tạo, sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.

9. Thẩm định thiết kế là việc xem xét, kiểm tra, đối chiếu và đánh giá các nội dung hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định có liên quan.

10. Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo là việc kiểm tra, đánh giá xe cơ giới đã được thi công cải tạo theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định (sau đây gọi là nghiệm thu).

Điều 4. Các quy định khi cải tạo xe cơ giới

Việc cải tạo xe cơ giới và xe cơ giới sau khi cải tạo phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới khi tham gia giao thông và phải tuân thủ các quy định sau đây:

1. Không cải tạo thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) đối với xe cơ giới đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới đến thời điểm thẩm định thiết kế.

2. Không cải tạo xe cơ giới chuyên dùng nhập khẩu thành xe cơ giới loại khác trong thời gian 05 năm, xe đông lạnh nhập khẩu thành xe loại khác trong thời gian 03 năm, kể từ ngày được cấp biển số đăng ký lần đầu.

3. Không cải tạo thùng xe của xe tải nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới, chưa qua sử dụng trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đến khi thẩm định thiết kế (trừ trường hợp cải tạo thành xe tập lái, sát hạch; cải tạo lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở).

4. Không cải tạo xe cơ giới loại khác thành xe chở người và ngược lại, trừ trường hợp cải tạo xe ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe ô tô tải VAN.

5. Không cải tạo hệ thống treo của xe cơ giới.

6. Không cải tạo hệ thống phanh của xe cơ giới, trừ các trường hợp:

a) Lắp đặt bàn đạp phanh phụ trên xe tập lái, xe sát hạch và ngược lại;

b) Cải tạo để cung cấp năng lượng và điều khiển hệ thống phanh của rơ moóc, sơ mi rơ moóc.

7. Không cải tạo hệ thống lái của xe cơ giới, trừ trường hợp cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch được nhập khẩu.

8. Không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người.

9. Không cải tạo tăng kích thước khoang chở hành lý của xe chở người.

10. Không cải tạo xe ô tô đầu kéo thành xe cơ giới loại khác (trừ xe chuyên dùng).

11. Không cải tạo thay đổi kích cỡ lốp, số trục và vết bánh xe của xe cơ giới.

12. Không cải tạo thay đổi khoảng cách giữa các trục của xe cơ giới, trừ các trường hợp: cải tạo thành xe chuyên dùng, đầu kéo; cải tạo thu ngắn chiều dài cơ sở khi cải tạo trở lại thành xe nguyên thủy và khi cải tạo để giảm chiều dài toàn bộ, kích thước thùng xe của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phù hợp quy định tại Thông tư số 42/2014/TT-BGTVTngày 15 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thùng xe của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ (sau đây gọi là Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT ). Đối với sơ mi rơ moóc tải (trừ sơ mi rơ moóc tải tự đổ) và sơ mi rơ moóc chở công-ten-nơ có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn khối lượng toàn bộ theo thiết kế được cải tạo thay đổi vị trí các trục, cụm trục, chốt kéo đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015.

13. Không cải tạo tăng chiều dài toàn bộ của xe cơ giới, trừ các trường hợp cải tạo thành xe chuyên dùng và cải tạo thay đổi tấm ốp mặt trước, sau của xe chở người.

14. Không cải tạo tăng kích thước lòng thùng xe của xe tải, thể tích xi téc của xe xi téc. Khi cải tạo lắp thêm mui phủ lên xe tải thùng hở không có mui phủ thì không được tăng chiều cao của thành thùng xe.

15. Không được tăng kích thước lòng thùng xe, thể tích xi téc đối với xe tải, xe xi téc đã cải tạo thành xe loại khác khi cải tạo trở lại loại xe nguyên thủy.

16. Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới sau cải tạo phải đảm bảo:

a) Đối với xe chở người: Không lớn hơn giá trị nhỏ của khối lượng toàn bộ theo thiết kế tương ứng với số người cho phép chở lớn nhất theo thiết kế của nhà sản xuất và khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông theo quy định về tải trọng cầu đường.

b) Đối với xe tải và xe chuyên dùng: Không lớn hơn giá trị của khối lượng toàn bộ theo thiết kế của nhà sản xuất và khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông theo quy định về tải trọng cầu đường.

17. Khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới sau cải tạo không được lớn hơn khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế của xe nguyên thủy.

18. Xe cơ giới sau cải tạo là xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phải có thông số kỹ thuật phù hợp quy định tại Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT.

19. Không sử dụng các hệ thống, tổng thành đã qua sử dụng trong cải tạo xe cơ giới, trừ thiết bị chuyên dùng, động cơ (trường hợp sử dụng lại động cơ của xe cơ giới đã qua sử dụng phải đảm bảo xe được lấy động cơ để sử dụng có thời gian sử dụng tính từ năm sản xuất không quá 15 năm, kể cả trường hợp thay thế động cơ cùng kiểu loại). Động cơ thay thế có công suất lớn nhất nằm trong khoảng từ 90% đến 120% công suất lớn nhất của động cơ của xe nguyên thủy.

20. Cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng khi lắp mới lên xe cơ giới cải tạo phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, chứng nhận về tính năng, chất lượng, an toàn kỹ thuật.

21. Trong suốt quá trình sử dụng, mỗi xe cơ giới chỉ được cải tạo, thay đổi 1 trong 2 tổng thành chính là động cơ hoặc khung và không được cải tạo quá 3 hệ thống, tổng thành sau: buồng lái, thân xe hoặc thùng xe, khoang chở khách; truyền lực; chuyển động; treo; phanh; lái; nhiên liệu.

22. Việc cải tạo một hệ thống, tổng thành nếu dẫn đến việc ảnh hưởng tới thông số, đặc tính làm việc của các hệ thống, tổng thành có liên quan khác thì phải được xem xét, tính toán cụ thể và phải được coi là cải tạo cả hệ thống, tổng thành có liên quan.

23. Trong trường hợp xe cơ giới cải tạo để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng mà có nội dung cải tạo không phù hợp với các quy định tại Điều này thì vẫn được thực hiện cải tạo. Xe cơ giới đã cải tạo thành xe cơ giới cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng chỉ được cải tạo trở lại xe nguyên thủy.

Chương II

THIẾT KẾ VÀ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ

Điều 5. Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo

Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo bao gồm:

1. Thuyết minh thiết kế kỹ thuật xe cơ giới (bản chính) theo quy định tại mục A của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Bản vẽ kỹ thuật (bản chính) theo quy định tại mục B của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo

Xe cơ giới cải tạo trong các trường hợp sau được miễn lập hồ sơ thiết kế:

1. Xe ô tô tập lái, sát hạch lắp đặt hoặc tháo bỏ bàn đạp phanh phụ bằng cách liên kết với bàn đạp phanh chính thông qua một thanh đòn dẫn động cơ khí.

2. Lắp thêm hoặc tháo bỏ các nắp chắn bụi cho thùng xe của xe ô tô tải tự đổ nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng xe.

3. Lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP nhưng không làm thay đổi kích thước bao của xe.

4. Xe ô tô tải tự đổ và xe ô tô xi téc nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, cải tạo trước ngày 01 tháng 11 năm 2014 có nhu cầu tự nguyện cắt giảm thể tích thùng hàng, xi téc để phù hợp quy định tại Thông tư 42/2014/TT-BGTVT.

5. Tháo bỏ hệ thống cung cấp nhiên liệu sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cho động cơ của xe đối với xe cơ giới đã cải tạo lắp đặt thêm hệ thống cung cấp nhiên liệu LPG để quay trở về chỉ sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu của xe nguyên thủy.

6. Cải tạo thay đổi vị trí các trục, cụm trục, chốt kéo đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 đối với sơ mi rơ moóc tải (trừ sơ mi rơ moóc tải tự đổ) và sơ mi rơ moóc chở công-ten-nơ có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn khối lượng toàn bộ theo thiết kế.

7. Cải tạo theo thiết kế mẫu do Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố.

Điều 7. Thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo

1. Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là cơ quan thẩm định thiết kế) thẩm định theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này, nếu đạt yêu cầu thì phê duyệt thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi là Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế).

2. Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế có hiệu lực tối đa là 12 tháng, kể từ ngày ký nhưng không quá niên hạn sử dụng của xe (nếu có) hoặc không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới (đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng).

3. Người thẩm định thiết kế của cơ quan thẩm định thiết kế phải là kỹ sư cơ khí ô tô đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới.

4. Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 04 bộ hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo có thành phần theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này;

c) Tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế (bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế);

d) Bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế của một trong các giấy tờ sau: Giấy Đăng ký xe ô tô; Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển); Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký).

5. Trình tự, thủ tục thẩm định thiết kế

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế đến cơ quan thẩm định thiết kế;

b) Cơ quan thẩm định thiết kế tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ: Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác);

c) Cơ quan thẩm định thiết kế tiến hành thẩm định thiết kế theo quy định: Nếu thiết kế đạt yêu cầu, sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thiết kế, cơ quan thẩm định thiết kế cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Trường hợp không cấp, cơ quan thẩm định thiết kế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định;

d) Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan thẩm định thiết kế hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

6. Hồ sơ thiết kế sau khi được phê duyệt và Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế được lưu tại cơ quan thẩm định thiết kế 01 bộ, cơ sở cải tạo 01 bộ, cơ quan nghiệm thu 01 bộ và cơ sở thiết kế 01 bộ.

Điều 8. Trách nhiệm thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo

1. Các Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới có đăng ký biển số tại địa phương mình theo quy định sau:

a) Cải tạo, lắp đặt các hệ thống, tổng thành: khung; động cơ; truyền lực; buồng lái, thân xe hoặc thùng chở hàng, khoang chở khách; hệ thống điện, đèn chiếu sáng và tín hiệu của: xe tải (trừ xe tải chuyên dùng và ô tô tải không có thùng xe đã qua sử dụng nhập khẩu); xe chở người đến 25 chỗ (kể cả chỗ người lái), kể cả trường hợp cải tạo xe chở người trên 25 chỗ thành xe chở người đến 25 chỗ;

b) Lắp đặt ghế ngồi trên thùng xe của xe ô tô tải tập lái, sát hạch;

c) Cải tạo xe ô tô chở người thành xe ô tô cứu thương, ô tô tang lễ;

d) Cải tạo xe ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe ô tô tải VAN.

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo không quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khi có yêu cầu.

3. Trong trường hợp các Sở Giao thông vận tải không đủ điều kiện để thẩm định thiết kế thì Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm thực hiện.

Chương III

THI CÔNG CẢI TẠO XE CƠ GIỚI, NGHIỆM THU VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE CƠ GIỚI CẢI TẠO

Điều 9. Thi công cải tạo

1. Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải thực hiện tại các cơ sở cải tạo có kinh doanh ngành nghề thi công cải tạo, sản xuất, lắp ráp xe cơ giới theo quy định của pháp luật.

2. Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải thực hiện theo đúng thiết kế đã được thẩm định, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

3. Xe cơ giới sau thi công cải tạo xuất xưởng phải được cơ sở cải tạo kiểm tra đảm bảo chất lượng sản phẩm. Kết quả kiểm tra được lập thành Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo

1. Xe cơ giới sau khi thi công cải tạo theo thiết kế đã thẩm định phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (sau đây gọi chung là cơ quan nghiệm thu) nghiệm thu theo trách nhiệm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận cải tạo).

2. Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiệm thu xe cơ giới cải tạo các nội dung sau:

a) Cải tạo chuyển đổi vị trí vô lăng của xe ô tô tay lái nghịch;

b) Cải tạo toàn bộ buồng lái, thân xe, khoang chở khách của xe chở người;

c) Cải tạo từ xe ô tô tải không có thùng xe đã qua sử dụng nhập khẩu;

d) Cải tạo hệ thống cung cấp nhiên liệu của xe cơ giới (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 6 của Thông tư này);

đ) Cải tạo xe cơ giới các loại thành xe chuyên dùng.

3. Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nghiệm thu tại đơn vị các xe cơ giới cải tạo ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thành phần nghiệm thu xe cơ giới cải tạo là đăng kiểm viên đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới và đại diện cơ sở cải tạo xe.

5. Đối với trường hợp cải tạo toàn bộ buồng lái, thân xe, khoang chở khách của xe chở người; cải tạo lắp mới thùng xe của xe tải thành xe tải thùng kín (có hai mặt của vách thùng xe được bọc kín), xe tải bảo ôn, xe tải đông lạnh thì cơ sở cải tạo phải thông báo đến cơ quan nghiệm thu để kiểm tra và nghiệm thu trước phần kết cấu khung xương của thân xe, thùng xe theo thiết kế tại cơ sở cải tạo trước khi hoàn thiện.

6. Nội dung nghiệm thu: Cơ quan nghiệm thu căn cứ nội dung thiết kế cải tạo của xe cơ giới và quy trình chung nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo bao gồm:

a) Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thiết kế đã được thẩm định. Đối với trường hợp miễn thiết kế quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều 6 của Thông tư này phải có bản vẽ tổng thể xe cơ giới sau cải tạo do cơ sở cải tạo lập;

c) Ảnh tổng thể chụp góc khoảng 45 độ phía trước và phía sau góc đối diện của xe cơ giới sau cải tạo; ảnh chụp chi tiết các hệ thống, tổng thành cải tạo;

d) Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo;

đ) Bảng kê các tổng thành, hệ thống thay thế mới theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Bản sao có xác nhận của cơ sở cải tạo các tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế và tài liệu xác nhận nguồn gốc của các hệ thống, tổng thành cải tạo;

g) Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng và các thiết bị chuyên dùng theo quy định.

8. Việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo phải sử dụng các thiết bị, dụng cụ kiểm tra phù hợp để kiểm tra các hạng mục, hệ thống, tổng thành liên quan đến nội dung cải tạo.

9. Kết quả nghiệm thu được lập thành Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

10. Đối với các xe cơ giới cải tạo có cùng nhãn hiệu, số loại, thông số kỹ thuật và do cùng một cơ sở cải tạo thi công thì được sử dụng cùng một thiết kế, việc nghiệm thu do cùng một cơ quan nghiệm thu thực hiện. Hồ sơ để nghiệm thu sản phẩm tiếp theo bao gồm:

a) Văn bản của cơ quan thẩm định thiết kế về việc đồng ý cho sử dụng thiết kế đã được thẩm định để thi công cải tạo;

b) Hồ sơ nghiệm thu cải tạo theo quy định tại các điểm a, c, d, đ, e và điểm g khoản 7 Điều này.

Điều 11. Cấp Giấy chứng nhận cải tạo

1. Xe cơ giới sau cải tạo đã nghiệm thu đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định thì được cấp Giấy chứng nhận cải tạo.

2. Giấy chứng nhận cải tạo gồm 02 liên, cấp cho chủ xe để làm thủ tục kiểm định và đăng ký biển số.

3. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cải tạo là 06 tháng, kể từ ngày ký.

a) Trường hợp chủ xe làm mất Giấy chứng nhận cải tạo còn hiệu lực thì phải có đơn báo mất nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua các hình thức phù hợp khác đến cơ quan đã nghiệm thu để cấp lại. Cơ quan nghiệm thu cấp lại Giấy chứng nhận cải tạo ngay sau khi nhận được đề nghị của chủ xe. Giấy chứng nhận cải tạo được cấp lại có ngày hết hạn hiệu lực trùng với Giấy chứng nhận cải tạo đã mất.

b) Trường hợp chủ xe làm mất Giấy chứng nhận cải tạo hết hiệu lực thì phải có đơn báo mất nộp cho cơ quan đã nghiệm thu để nghiệm thu và cấp mới Giấy chứng nhận cải tạo.

c) Trường hợp Giấy chứng nhận cải tạo hết hiệu lực thì chủ xe nộp lại Giấy chứng nhận cải tạo cũ cho cơ quan đã nghiệm thu để nghiệm thu và cấp mới Giấy chứng nhận cải tạo.

4. Giấy chứng nhận cải tạo được in từ chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới.

5. Các kết quả nghiệm thu, ảnh chụp, Biên bản kiểm tra và bản sao Giấy chứng nhận cải tạo được lưu cùng hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo tại cơ quan nghiệm thu.

6. Trình tự, thủ tục nghiệm thu.

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại khoản 7 Điều 10 của Thông tư này đến cơ quan nghiệm thu cải tạo;

b) Cơ quan nghiệm thu tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ: Nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác);

c) Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cơ quan nghiệm thu tiến hành nghiệm thu xe cơ giới cải tạo. Nếu kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận cải tạo cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc nghiệm thu. Trường hợp không cấp, cơ quan nghiệm thu thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả nghiệm thu;

d) Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan nghiệm thu hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Thông tư này.

2. Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới.

3. Thẩm định thiết kế và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Thông tư này.

4. Biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới cho cán bộ thẩm định thiết kế và đăng kiểm viên nghiệm thu xe cơ giới cải tạo.

5. Thống nhất phát hành, quản lý, hướng dẫn và kiểm tra sử dụng phôi Giấy chứng nhận cải tạo, Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo.

6. Tổng hợp kết quả thực hiện công tác cải tạo xe cơ giới, báo cáo Bộ Giao thông vận tải định kỳ 6 tháng, hàng năm.

Điều 13. Trách nhiệm của các Sở Giao thông vận tải:

1. Thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này.

2. Hướng dẫn các cơ sở thiết kế tại địa phương thực hiện quy định tại Thông tư này.

3. Sử dụng phôi Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới đúng quy định.

4. Gửi báo cáo công tác thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này về Cục Đăng kiểm Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 và ngày 01 tháng 7 hàng năm.

Điều 14. Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

1. Nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận cải tạo theo quy định tại Thông tư này.

2. Sử dụng phôi Giấy chứng nhận cải tạo, chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới đúng quy định.

3. Hướng dẫn chủ xe thực hiện việc điều chỉnh kích thước thùng xe, xi téc theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Thông tư này.

4. Thông báo bằng văn bản tới cơ quan thẩm định thiết kế về việc đề nghị thẩm định lại hồ sơ thiết kế nếu trong quá trình nghiệm thu phát hiện hồ sơ thiết kế có sai sót về kỹ thuật.

5. Gửi báo cáo công tác nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này về Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải địa phương trước ngày 01 tháng 01 và ngày 01 tháng 7 hàng năm.

6. Báo cáo, cung cấp đầy đủ hồ sơ, số liệu phục vụ việc kiểm tra công tác cải tạo xe cơ giới.

Điều 15. Phí và lệ phí

Cơ quan thẩm định thiết kế, cơ quan nghiệm thu thực hiện việc nghiệm thu cải tạo được thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

Điều 16. Lưu trữ hồ sơ

1. Hồ sơ thẩm định thiết kế được lưu trữ tại Cơ quan thẩm định thiết kế và được hủy sau 20 năm, trừ Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo.

2. Hồ sơ nghiệm thu được lưu trữ tại cơ quan nghiệm thu và được hủy sau 20 năm, trừ bản sao Giấy chứng nhận cải tạo.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2015 và thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 31 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

2. Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và Giấy chứng nhận cải tạo đã cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị đến hết thời hạn được cấp.

3. Trong trường hợp các văn bản, tiêu chuẩn, tài liệu tham chiếu tại Thông tư này thay đổi, bổ sung, chuyển đổi thì áp dụng theo văn bản, tiêu chuẩn, tài liệu mới.

Điều 18. Trách nhiệm thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
– Như Điều 18;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ,
– Cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
– Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
– Lưu: VT, KHCN.
Bài viết liên quan