Đăng kiểm ôtô là gì?
Để đảm bảo an toàn, đồng thời bảo vệ môi trường, thì hầu hết các chủ xe mới điều phải tiến hành làm thủ tục đăng kiểm xe ô tô sau khi đăng ký xe mới. Đây là một quy trình quan trọng và bắt buộc chủ sở hữu xe phải thực hiện.
Khi các chủ xe đến làm thủ tục đăng kiểm xe ô tô thì nhân viên đăng kiểm sẽ tiến hành các thủ tục kiểm tra theo đúng trình tự đã quy định để biết xe có đạt tiêu chuẩn hay không.
– Nếu đạt: Chủ sở hữu xe sẽ được cấp hoặc được phép gia hạn giấy đăng kiểm trước đó.
– Nếu không đạt: Chủ sở hữu xe bắt buộc phải hoàn thiện những lỗi chưa đạt đến khi nào đạt thì mới được cấp giấy đăng kiểm xe.
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều phương tiện đã quá thời gian sử dụng, lỗi thời cũ kỹ nhưng vẫn được đưa vào sử dụng nó ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm bên trong lại vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó những xe trước khi được đưa vào sử dụng tham gia giao thông thì cần phải được đăng kiểm để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.
Quy định của chính phủ về đăng kiểm xe ôtô
Theo điều 55, chương IV, luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định chi tiết về đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:
Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.
Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm định).
Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện việc kiểm định phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.
Chủ phương tiện, người lái xe ô tô chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Dựa trên đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của chính phủ cũng quy định mức phạt đối với trường hợp không đăng kiểm hoặc đăng kiểm trễ với phương tiện giao thông đường bộ. Tại khoản 4, điều 16, mục 3 của Nghị định 46, phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô nếu điều khiển xe có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn sử dụng dưới 1 tháng. Ngoài ra, người điều khiển còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
Nếu hết hạn hơn 1 tháng, khoản 5, điều 16, mục 3, Nghị định 46 quy định mức phạt sẽ từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng. Và người lái xe sẽ bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng. Mức phạt trên cũng áp dụng cho các hành vi mượn tem đăng kiểm của xe khác, có dấu hiệu tẩy xóa hoặc giả mạo tem đăng kiểm của cơ quan thẩm quyền cấp.
Do đó, chủ xe cần lên lịch để đưa xe đi đăng kiểm đúng thời hạn.