Túi khí là một bộ phận quan trọng trên xe ô tô, nó giúp hạn chế chấn thương cho người ngồi trong xe ô tô khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên nhiều người vẫn hiểu lầm về cơ chế hoạt động của nó, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Túi khí là gì và sự quan trọng của túi khí
Túi khí được hình thành và phát triển từ những năm 50, qua nhiều năm và nhiều sự cải tiến khắc phục những nhược điểm và hạn chế của túi khí thì đến năm 1971 chính thức được sử dụng.
Được biết, khi tai nạn xảy ra để người ngồi trong xe không bị chấn thương nặng, phải đảm bảo được hai yếu tố: giữ cho cabin xe cứng vững ít bị biến dạng và đồng thời giảm thiểu chấn thương do hành khách bị “quăng quật” bên trong cabin khi xảy ra tai nạn.
Các thiết bị an toàn thụ động sẽ đảm bảo điều này, chúng chủ yếu gồm: Thân xe, Đai an toàn và Túi khí.
Túi khí gồm 3 bộ phận chính: Túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.
Chất liệu tạo nên túi khí cho ôtô là loại vải co giãn hoặc một vật liệu đảm bảo được khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi cần thiết. Trong tình huống xảy ra va chạm, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức với thời gian chỉ tính bằng mili giây, bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể người trên xe.
Những vị trí đặt túi khí trên xe thường được ký hiệu là SRS. Sau khi va chạm xảy ra, dây an toàn giúp hãm dần vận tốc theo quán tính của người ngồi trong xe và do đó giảm lực tác động lên người họ. Túi khí SRS đồng thời giúp hạn chế khả năng va đập của vùng đầu với các vật thể khác trong xe và hấp thụ một phần lực ảnh hưởng tới người lái và hành khách.
Cơ chế hoạt động của túi khí?
Về cơ bản, túi khí SRS trải qua 3 giai đoạn chính kể từ khi xe gặp va chạm cho đến khi túi khí bung. Đầu tiên, hệ thống điều khiển chính (ACU) điều khiển các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,… để nhận biết mức độ ảnh hưởng. Khi con số này vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi mới đánh lửa.
Tiếp theo, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A trong vòng dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn. Cuối cùng, túi khí được bơm căng để giảm tác động lực người ngồi trên xe và ngay lập tức khí đó thoát ra ở các lỗ xả phía sau.
Những chú ý về túi khí mà các tài xế nên biết
Khi ngồi trên xe ô tô, tài xế hay chú ý đến bộ phận túi khí. Cụ thể, đèn báo này sáng khi bật khóa điện và tắt đi sau khoảng 6 giây. Nếu đèn báo hiệu không sáng, hoặc không tắt trong suốt quá trình lái thì túi khí hoặc hệ thống báo gặp sự cố, cần kiểm tra túi khí ngay lập tức.
Để biết túi khí trên xe có hoạt động hay không cần chú ý đèn báo hiển thị trên mặt táp lô. Hệ thống này có chức năng theo dõi cụm cảm biến túi khí, nguồn điện và bộ bơm.
Một chú ý mà người lái thường hay mắc đó là để trẻ em, người già, phụ nữ có thai ngồi hàng ghế trước, khi gặp sự cố, túi khí nổ nhiều khi sẽ gây phản tác dụng.
Tuyệt đối không cho trẻ em ngồi trên lòng người khác, đặc biệt là ghế trước. Bởi khi phanh gấp hay đổi hướng lái đột ngột, trẻ em sẽ bị văng ra theo quán tính, hết sức nguy hiểm.
Không dịch ghế quá gần đến vị trí đặt túi khí, không gác chân, đặt đồ lên khoảng không gian mà túi khí có thể bung ra. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người và túi khí là 25cm.
Có phải cứ va chạm là túi khí bung?
Câu trả lời là tùy trường hợp, không phải cứ đâm là túi khí bung. Có những trường hợp, xe bị va chạm dẫn tới nát đầu trước, nhưng túi khí vẫn không bung, bởi lẽ lúc này những tính toán điện tử của xe cho thấy, chỉ cần dây đai an toàn là đủ bảo vệ người trên xe, mà không cần thiết đến túi khí.
Theo thứ tự phản ứng, khi xe đâm vào vật thể khác, hệ thống khung gầm, thân xe sẽ hấp thụ một phần lực (có thể làm biến dạng), giảm lực tác dụng vào cabin. Sau đó, dây đai an toàn giữ hành khách không lao về phía trước do quán tính. Quá trình phản ứng an toàn sẽ dừng lại tại đây, nếu vụ va chạm không đủ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người trong xe.
Một số tình huống túi khí không hoạt động
Túi khí đôi khi không hoạt động khi xe va chạm với vật biến dạng hoặc đang dịch chuyển. Chẳng hạn, khi xe đang đứng yên, túi khí của nó có thể không hoạt động khi va chạm từ phía trước với xe có trọng lượng tương đương đang di chuyển ở tốc độ 40-50 km/h. Hoặc, khi xe đang đứng yên, túi khí của nó có thể không hoạt động khi va chạm lệch tâm hoặc dưới một góc, ngay cả khi tốc độ va chạm cao hơn so với trường hợp mô tả ở trên.
Cũng có trường hợp xe đang di chuyển ở tốc độ 30-35 km/h túi khí có thể không hoạt động khi va chạm với cây nhỏ hoặc vật có thể di chuyển. Túi khí cũng có thể không hoạt động trong trường hợp xe va chạm với lực hướng xuống phía dưới như trong va chạm với gầm xe tải.