Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với những phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo về khí thải.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời cử tri tỉnh An Giang như sau:

Kiểm soát khí thải xe ô tô

Việc kiểm soát khí thải xe ô tô tham gia giao thông ở nước ta được thực hiện kể từ năm 2006 theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình thực hiện, cơ bản đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật giảm phát thải chất gây ô nhiễm trong quá trình khai thác sử dụng.

Thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức đánh giá kết quả và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

Theo đó, các mức tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho xe ô tô tham gia giao thông được nâng lên so với mức quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg và áp dụng từ 1/1/2020.

Triển khai Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô tham gia giao thông; Nâng cao năng lực trình độ, trang thiết bị của các đơn vị đăng kiểm; Cập nhật các mức tiêu chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng vào quy trình kiểm tra; Tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp nhập khẩu, chủ xe ô tô, người lái xe ô tô về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải; Tổ chức, huy động nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ xử lý khí thải nhằm xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nâng cao hiệu quả quản lý phát thải gây ô nhiễm từ xe cơ giới tham gia giao thông. Việc chuẩn bị triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông đã sẵn sàng để thực hiện theo đúng quy định.

Lộ trình kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy

Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng lớn, do đặc thù sử dụng, xe mô tô, xe gắn máy đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là các đô thị lớn; việc kiểm soát hoạt động cũng như kiểm soát khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đã, đang trở thành mối quan tâm của chính quyền các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định về việc kiểm soát khí thải đối với xe mô tô tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cần gắn với quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; nội dung này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Vì vậy, ngày 19/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 566/VPCP-CN chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải “Tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và quy định về kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ Giao thông vận tải xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Bộ rà soát bổ sung quy định về kiểm soát khí thải xe cơ giới trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành việc đánh giá tác động chính sách và đưa vào dự thảo đề cương sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hiện nay công tác kiểm định xe cơ giới tham gia giao thông đã và đang được thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ; các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đã trang bị và sử dụng thiết bị kiểm tra hiện đại, đồng bộ, quy trình kiểm định phù hợp thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức đăng kiểm Quốc tế (CITA), xe cơ giới sau kiểm định đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

Tuy nhiên, khí thải xe cơ giới tham gia giao thông giữa 2 kỳ kiểm định phụ thuộc rất nhiều vào quá trình khai thác, sử dụng và thực hiện chế độ bảo dưỡng sửa chữa của chủ phương tiện; có hiện tượng xe ô tô không bảo đảm về khí thải vẫn lưu thông trên đường. Để giải quyết thực trạng này cần có giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và mức phát thải giữa 2 kỳ kiểm định; bên cạnh đó cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý của các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông).

Về phía Bộ Giao thông vận tải, trong diễn biến phức tạp về ô nhiễm không khí tại các thành phố thời gian qua, để góp phần cải thiện chất lượng không khí, ngày 7/10/2019, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 9480/BGTVT-MT gửi Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải yêu cầu thực hiện các nội dung sau:

– Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt kiểm tra lưu động để kiểm tra khí thải xe ô tô nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì mức phát thải của xe ô tô giữa 2 kỳ kiểm định. Trước mắt tập trung kiểm tra đối với xe buýt, ô tô khách, ô tô tải xả khói đen làm ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

– Sở Giao thông các tỉnh, thành phố:

Chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường tuần tra, cương quyết xử lý người điều khiển xe ô tô chở vật liệu xây dựng, chất đổ thải không che chắn đúng quy định làm rơi vãi gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông trên địa bàn quản lý.

Tuyên truyền, phổ biến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tăng cường công tác quản lý kỹ thuật đối với phương tiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác, sử dụng phương tiện. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (phương tiện phát thải lớn, hoạt động với tần suất cao tại các thành phố) đầu tư, chuyển đổi sang sử dụng phương tiện ít phát thải; ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải trên xe buýt nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ tổ chức các đợt kiểm tra lưu động đẻ kiểm tra khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông: Tại Hà Nội từ ngày 24/10/2019 đến ngày 31/10/2019; tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6/11/2019 đến ngày 15/12/2019. Kết quả kiểm tra như sau:

Thành phố Số lượng ô tô đã kiểm tra Số lượng ô tô đạt tiêu chuẩn khí thải Số lượng ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải
Hà Nội 94 90 04
TP. Hồ Chí Minh 44 42 02

Các xe ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải theo quy định trong các đợt kiểm tra lưu động bị thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định, yêu cầu sửa chữa, khắc phục và đến các trung tâm kiểm định xe cơ giới để kiểm định lại mức phát thải.

Lộ trình giải quyết kiểm soát khí thải xe cơ giới

Cùng với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, việc kiểm soát khí thải xe cơ giới tham gia giao thông là việc làm thường xuyên, liên tục từ việc rà soát cập nhật nâng mức tiêu chuẩn khí thải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội từng thời kỳ; đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm.

– Về hoàn thiện cơ chế, chính sách về kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất trong dự án xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

– Về tăng cường các biện pháp kiểm tra kiểm soát, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý chặt chẽ quy trình kiểm định xe cơ giới, thường xuyên tuyên truyền phổ biến tới người sử dụng phương tiện về thực hiện chế độ bảo dưỡng duy trì mức phát thải giữa 2 kỳ kiểm định, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra lưu động nhằm hạn chế việc phương tiện không bảo đảm về môi trường hoạt động trên đường.

Chinhphu.vn

Bài viết liên quan